Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt

Từ thời phong kiến, trong các gia đình Việt Nam nói riêng cũng như các quốc gia phương Đông nói chung, quyết định cưới xin là một việc hệ trọng của cả đời người. Quyết định của cha mẹ trong vấn đề hôn ước của con cái là điều tiên quyết, quyết định xem 2 bên đôi lứa có đến được với nhau hay không. Với những gia đình gia giáo, nề nếp thì việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” không có gì là xa lạ. Việc này giúp duy trì truyền thống, bản chất của mỗi gia đình, và cũng đảm bảo cho việc hôn nhân ấy là “môn đăng hộ đối”. Một cô gái hội tụ các yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh” là tiêu chuẩn được ra từ rất lâu.

Theo tục lệ truyền thống từ xưa, khi hai bên gia đình đã thỏa thuận xong hôn lễ, khi cưới hỏi, cần phải trải qua các lễ:

  • Nạp thái ( nghĩa là chạm ngõ)
  • Vấn danh ( nghĩa là ăn hỏi)
  • Nạp cát ( nghĩa là bói xem ngày tốt), Thỉnh kỳ ( nghĩa là định ngày tốt)
  • Nạp tệ (nghĩa là đưa lễ cưới)
  • Thân nghinh (nghĩa là đón dâu).
  • Đưa dâu
  • Lẽ tế Tơ hồng
  • Lễ lại mặt

Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về các lễ này.

  • Lễ Nạp thái. Có nghĩa là chạm ngõ.

Theo dân gian từ ngàn xưa, muốn làm bất cứ việc gì cũng phải chọn ngày tốt. Vậy nên sau khi có được những thỏa thuận về việc cưới gả, nhà trai sẽ chọn là người chủ hôn bên nhà trai, chọn ngày đẹp và sắm một món lễ bao gồm xôi gà, hương quả, chén nước, cúng tổ tiên , báo cáo về việc quan trọng của con trai trong nhà. Sau đó, nhà trai sẽ sắm một món lễ mang sang nhà gái. Lễ đó bao gồm những món cơ bản như: 1 cơi trầu têm cánh phượng, cau chẻ tư. Nhà nào khá giả hơn thì mang cả buồng cau, xấp lá trầu, mứt sen, trà ngon. Tất cả những món này được gọi là lễ để chạm ngõ nhà gái.

  • Lễ Vấn danh. Có nghĩa là ăn hỏi.

Đây là một lễ lớn, mang tính chính thức, diễn ra trước khi cưới. Trong đám cưới ngày xưa hay xuất hiện bà mối. Bà mối được coi là một người trung gian, dẫn gia quyến nhà trai qua nhà gái hỏi vợ. Nhà trai chọn ngày tốt để mang sính lễ qua hỏi cưới. Lúc đi đến sẽ chuẩn bị lễ bao gồm: trầu, cau, chè, mứt, bánh hỏi, bánh chưng, trà. Lễ này nhà gái sẽ dâng lên cúng tổ tiên, báo cáo về việc gả con gái đi. Ở miền Nam, thì trong sính lễ hỏi, còn có thêm những món có giá trị như vàng, bông tai, nhẫn, dây chuyền…Tất cả những thứ này đựng trong một hộp vuông, dán chữ hỷ lên. Trong lễ ăn hỏi, nhà gái cũng đưa ra các món thách cưới cho bà mối, thông qua bà mối, nhà trai sẽ biết nhà gái thách cưới món gì để chuẩn bị. Sau lễ ăn hỏi là bái hỷ và ăn trầu.

Trong lễ ăn hỏi, cũng là lễ xem ngày và định ngày tốt để cưới. Nghĩa là Nạp cátĐịnh kỳ. Ngày giờ cưới là thời khắc vô cùng quan trọng, vì dân gian ta luôn quan niệm “có kiêng có lành”, ngày giờ hoàng đạo quyết định đến sự thành công của lễ cưới và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của hai vợ chồng.

  • Đưa lễ cưới

Sáng sớm, nhà trai sẽ làm lễ cúng cáo gia tiên. Sau đó dẫn đầu đoàn nhà trai đi qua nhà gái xin rước dâu. Đoàn đi theo sau là các phù rể hoặc những người trong gia quyến, bằng hữu nhà trai, mang theo các sính lễ sau: trầu, cau, bánh hỏi, hạt se, trà, xôi, gà, lợn quay.

Đây là bảng tính ngày hoàng đạo và hắc đạo khi chọn ngày đưa dâu:

Trước khi đến đón dâu, bên nhà trai sẽ có vài người mang trầu cau, rượu đến nhà gái xin dâu trước. Báo giờ đoàn đón dâu đến để nhà gái chuẩn bị. Trầu và rượu này nhà gái sẽ dâng lên bàn thờ làm lễ cáo tổ tiên. Đoàn đi trước này có thể là mẹ chồng hoặc một người cô, thím trong họ.

Bên nhà gái cũng chuẩn bị một đoàn phù dâu để đón nhận sính lễ từ dàn phù rể bên nhà trai. Khi đoàn đón dâu cùng với các sính lễ đến nhà cô dâu, nhà gái sẽ thắp hương báo cáo gia tiên. Nhà gái mời nhà trai vào nhà. Các phù rễ bưng lễ vật cưới đi cùng sẽ đứng thành hàng ngay trước mặt các phù dâu bên nhà gái, và đưa sính lễ cho họ. Các phù dâu sẽ lần lượt đặt lễ cưới lên bàn thờ.

Nhà gái tiến hành kiểm tra sính lễ và các món thách cưới. Sau khi đầy đủ lễ cưới, nhà gái cho phép nhà trai thắp nhang báo cáo gia tiên nhà gái.

Đây là văn lễ cưới do bố hoặc em trai/anh trai cô dâu thắp nhang:

  • Rước dâu

Thời xưa, khi rước dâu, người ta hay rước ban đêm. Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, sẽ chọn ra một người đàn ông dễ tính ra gặp đoàn nhà trai, với quan niệm khi đón nhà trai, mọi người và mọi việc được vui vẻ, nhẹ nhàng.

Trong đám rước dâu, sẽ có một cụ già có gia đình êm ấm, hạnh phúc, con đàn cháu đống cầm bó nhang đi trước, gọi là tục Tơ Hồng. Người này sẽ đi trước, sau đó là đến người cầm lễ vật như cau, trầu, mứt, rượu, đồ mặn….Chú rể khăn áo chỉnh để đi rước dâu. Trong tục rước dâu, có nơi không có mẹ chồng, có nơi không bố mẹ chồng đi cùng.

Đến nhà gái, cụ già và người bưng lễ sẽ đi vào trước, đặt mâm lễ lên bàn thờ, thắp hương vái. Nhà gái vái trả lễ, rồi 1 người trưởng họ hoặc đứng đầu họ bên nhà trai ra đón đoàn rước dâu vào. Sau đó, cô dâu và chú rể khấn lạy bàn thờ gia tiên, kính mong tổ tiên chấp nhận hôn sự. Rồi sau đó sẽ đi mời trầu cau. Cô dâu nên chủ động mời trước để chú rể đỡ bỡ ngỡ trong cách xưng hô.

Trước khi ra cửa về nhà chồng, cô dâu cùng chú rể vái lạy ông bà, cha mẹ. Họ thường ngồi ở cửa chính. Cha mẹ sẽ trao cho cô gái một vật kỷ niệm gì đó, hoặc vật hồi môn. Sau đó cô dâu và chú rể đến nhà thờ họ nội và ngoài của bên nhà cô dâu làm lễ bái. Sau khi thực hành xong các nghi lễ vái lạy, cô dâu và chú rể sẽ mừng tuổi ông bà, cha mẹ vợ, và nghe họ dặn dò. Cha mẹ vợ lúc này sẽ trao của hồi môn cho 2 vợ chồng và nhận tiền mừng cưới từ họ hàng và thưởng thức tiệc cưới.

Sau khi tiệc cưới xong xuôi, bà mối và ông chủ hôn nhà trai đứng lên báo là đến giờ tốt và xin phép rước dâu. Tiếp theo đó là đoàn nhà trai rước cô dâu về nhà.

  • Lễ đưa dâu

Bên nhà gái cũng có một cụ già dẫn đầu, cầm bó hương đi trước, rồi bà con họ hàng cô dâu đi sau.

Ngày xưa còn xài pháo, thì trên đường đi về nhà trai sẽ có pháo nổ giòn giã.

Về đến nhà trai,có sẵn hai người cầm cơi trầu đến đón cô dâu và họ hàng nhà gái ở lại dùng tiệc rồi về. Mẹ chồng dắt cô dâu vào rồi đến vái lạy gia tiền, gồm có 4 lạy, 3 vái. Lễ xong, mẹ chồng dẫn cô dâu vào buồng ngủ. Trong buồng có sẵn đôi chiếu mới úp vào nhau. Người trải chiếc cho hai vợ chồng trẻ là người may mắn, hạnh phúc, ăn nên làm ra. Cô dâu vào buồng nghỉ ngơi rồi cầm trầu cau đi mời mọi người trong họ hàng nhà trai và làm lễ tế Tơ hồng.

  • Lễ tế tơ hồng

Gia đình chủ rể sẽ chuẩn bị lễ bao gồm: xôi gà, trầu, rượu và một bài văn tế. Với nội dụng là ca ngợi công đức của ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên cho đôi lứa bên nhau, mong ông bà phù hộ đôi trẻ ăn ở với nhau trọn đời trọn kiếp. Lễ nay tới thời nay gần như đã được lược bỏ.

  • Lễ lại mặt

Lễ này có thể diễn ra sau 2 hoặc 4 ngày sau khi cô dâu về nhà chồng. Lễ bao gồm: 3 lá trầu, 3 quả cau, rượu, mứt sen, bánh kẹo. Lễ này vợ chồng cô dâu chú rể sẽ mang về nhà vợ, cúng lễ gia tiên, sau đó hạ xuống chia cho những người thân trong họ hàng nhà gái.

Sau đó hai vợ chồng cùng ăn mâm cơm ấm cúng với ông bà, cha mẹ vợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *